Lý do nhiều doanh nghiệp vẫn sống tốt trước COVID-19 là gì?
Đại dịch COVID-19 đang gây thiệt hại trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ doanh nghiệp, hiện tại mỗi cá nhân cũng đã ít nhiều chịu tác động của nó.
Theo khảo sát nhanh với cấp quản lý hay nhân viên của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh và hoạt động chung của mọi ngành nghề. Tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực, cũng như mức độ tác động thì còn phụ thuộc vào ngành nghề cụ thể.
COVID-19 tác động tiêu cực tới những ngành nào?
Ngành chịu thiệt hại trực tiếp là khối Du lịch, Ăn uống, Giải trí, Thời trang. Tiếp theo là Bất động sản, Tài chính, Truyền thông quảng cáo…
Ngành kinh doanh ăn uống cũng thiệt hại nặng nề khi hàng loạt chuỗi cửa hàng của các thương hiệu phổ biến như Kichi-kichi, Otoke Chicken, Gogi House… đóng cửa. Những con phố ẩm thực nhộn nhịp như Phan Xích Long hay Ngô Đức Kế cũng rơi vào tình trạng vắng khách và trả mặt bằng.
Ngoài ra, các biện pháp “mạnh tay” chặn dịch cũng khiến tình hình trở nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Ngành thời trang, làm đẹp cũng đang chật vật vì thời điểm này mọi người chú trọng những nhu cầu tiêu dùng cơ bản và thiết yếu. Ngoài ra, việc thắt chặt chi tiêu, ở nhà tránh dịch cũng khiến nhu cầu chưng diện, làm đẹp giảm đáng kể.
Về bất động sản, sức ép tài chính ngày càng đè nặng khiến các doanh nghiệp bế tắc. Vốn đã thua lỗ từ sự đóng băng của bất động sản trong 2 năm trở lại, COVID-19 khiến doanh nghiệp phải gánh các tác động kép như:
- Hoạt động marketing hạn chế và kém hiệu quả.
- Tồn kho lớn kéo theo nợ xấu, lãi vay tăng cao.
- Các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn thay vì nhà đất.
Ngành nào đang hưởng lợi từ COVID-19?
Dễ nhận thấy những ngành đang nhận được ảnh hưởng tích cực “không mong đợi” đó là y tế, dược, hàng tiêu dùng nhanh, bảo hiểm, thương mại điện tử và chuyển phát.
Trong giai đoạn này mối quan tâm chính của đa số là vật tư y tế (khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn…) và các nhu yếu phẩm. Ngoài ra, việc hạn chế đi lại cũng làm nhu cầu đặt và nhận hàng online tăng mạnh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành Thương mại điện tử.
Một số phương án ứng phó của doanh nghiệp thời Covid-19
Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ không có free cash flow (dòng tiền tự do) đáng kể và phải chịu chi phí cố định lớn, đang lựa chọn phương án cầm cự duy trì để vượt qua mùa dịch. Cụ thể là giảm giờ làm, đóng cửa một số cửa hàng, thắt chặt chi tiêu để lược bớt chi phí vận hành.
Những doanh nghiệp và tập đoàn lớn không thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp thì chọn hướng đi khác: tận dụng thời gian này để cải thiện bộ máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới chờ thị trường khởi sắc.
Với nhiều doanh nghiệp, chi phí cho nhân viên chiếm phần lớn chi phí hoạt động. Vậy nên khá phổ biến doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm khoản này đầu tiên. Có nhiều phương án đang được sử dụng như:
- Cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên full-time thành part-time.
- Đăng ký nghỉ xoay ca. Nhân viên có thể làm 2 tuần, nghỉ 1 tuần và xoay ca với những đồng nghiệp khác.
- Làm việc tại nhà và trao đổi qua online để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mướn, di chuyển.
- Cho nghỉ hẳn. Đây là quyết định không doanh nghiệp nào muốn. Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại nhiều doanh nghiệp phải để nhân sự nghỉ việc không lương hoặc ra quyết định nghỉ hẳn với những bộ phận, phòng ban nhất định.
Thực hiện vệ sinh kiểm soát dịch
Nhiều doanh nghiệp đã có biện pháp cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y Tế để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch như: phun khử trùng toàn bộ văn phòng, cung cấp và yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc, xịt rửa tay và do thân nhiệt cho khách tới mua hàng, cũng như thực hiện cách ly theo hướng dẫn.
Tìm hướng đi mới, sản phẩm mới
Rất nhiều doanh nghiệp uyển chuyển đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để phục vụ nhu cầu phát sinh mùa dịch. Một số khác tận dụng cơ hội này để xây dựng hình ảnh thương hiệu.